Trong buổi gặp gỡ và trao đổi với cộng đồng công nghệ thông tin ở khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có những phát biểu quan trọng nhấn mạnh đến câu chuyện chuyển đổi số.

“Sứ mạng Việt Nam hùng cường giờ đây đặt lên vai các doanh nghiệp IT”

Tại buổi trao đổi diễn ra ở Khu phần mềm Quang Trung (QTSC) – TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chữ IT không còn là chữ IT nữa. IT đã gắn với viễn thông để thành ICT. ICT cũng không còn là ICT nữa. ICT đã gắn với những gì liên quan đến số, công nghệ số. Công nghệ số bây giờ là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là kinh tế số, xã hội số”.

Như vậy, theo quan điểm của Bộ trưởng, không gian của các doanh nghiệp IT là rất rộng lớn, đòi hỏi cách nghĩ, cách làm phải khác đi.

Bộ trưởng nhận định Việt Nam muốn hùng cường, muốn thành nước công nghiệp phát triển, thì phải dựa vào công nghệ, mà công nghệ chủ yếu là công nghệ số.

Trong tương lai, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân và mọi lĩnh vực. Ông Hùng gọi đó là “một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần”.

Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần thay đổi tư duy.

Những nước đi sau như Việt Nam có cơ hội rất lớn. Thêm vào đó, văn hóa người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đóng vai trò hạt nhân của quá trình chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mạng Việt Nam hùng cường đặt lên vai các doanh nghiệp IT, DN phải làm sản phẩm Make In Vietnam, để phát triển Việt Nam và đi ra toàn cầu - Ảnh 1.

Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Định dạng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, theo Bộ trưởng, đó là các doanh nghiệp công nghệ “đã thành danh, đã trong nghề 10-20 năm, nhưng phần nhiều là gia công, lắp ráp thì nay nhận sứ mạng mới là làm sản phẩm Việt Nam, Make In Vietnam, tạo ra sản phẩm để phát triển Việt Nam, rồi từ cái nôi Việt Nam mà đi ra toàn cầu”.

Đó cũng là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ vào ứng dụng trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, đưa công nghệ tới mọi doanh nghiệp, mọi hộ kinh doanh, mọi người dân.

Đó còn là các startup mang tính đổi mới sáng tạo, tạo lên những đột phá về công nghệ và mô hình kinh doanh.

Những loại hình doanh nghiệp trên đều có chỗ đứng riêng, vai trò riêng trong công cuộc chuyển đổi số. Các doanh nghiệp CNTT (hôm nay có mặt ở đây – Bộ trưởng) cơ bản thuộc loại thứ 3.

Các doanh nghiệp, bất kể là tư nhân hay nhà nước, muốn đi xa thì phải lấy sứ mạng quốc gia làm sứ mạng của mình, bởi vì “chúng ta sẽ thực sự sánh vai cường quốc năm châu, và chỉ khi đó chúng ta mới giữ được hòa bình cho mình”.

Ngoài ra, ông Hùng khuyên các doanh nghiệp CNTT cần có chung một khát vọng lớn để thấy các chướng ngại trên đường đi nhỏ lại.

“Khát vọng mà lớn thì thu hút được người tài tìm về. Khát vọng mà lớn thì người tài được sinh ra. Khát vọng mà lớn thì chúng ta sẽ được tiếp thêm năng lượng của Trời Đất, của Tổ tiên, thông minh hơn, dẻo dai hơn, suy nghĩ đột phá hơn. Khát vọng mà lớn thì doanh nghiệp mới lớn được. Từ khát vọng lớn tạo ra mục tiêu cao, từ mục tiêu cao tạo ra áp lực cao cho cả tổ chức và từng người. Áp lực cao thì khai thác được tiềm năng vô hạn đang ngủ trong mỗi người”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mạng Việt Nam hùng cường đặt lên vai các doanh nghiệp IT, DN phải làm sản phẩm Make In Vietnam, để phát triển Việt Nam và đi ra toàn cầu - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng : “Các bạn đã được đất nước này nuôi dưỡng nhiều năm nay, đã học hỏi được nhiều tri thức trong chặng đường phát triển trước đây, bây giờ là lúc cần đến để làm những điều lớn lao cho đất nước”

Có cách nào để chuyển đổi số nhanh hơn không ?

Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta cứ phải tới từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình để làm chuyển đổi số cho họ thì sẽ rất lâu. Vì số đầu mối này là hàng chục triệu. Vậy có cách tiếp cận nào mới và đột phá không ?

Ông Hùng gợi ý: “Chúng ta sẽ tạo ra các platform số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng. Sử dụng các platform số này tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số. Chúng ta có hàng ngàn báo và tạp chí. Nếu từng cơ quan này phải đầu tư nền tảng số thì sẽ rất tốn kém, nhiều cơ quan báo chí không có đủ nguồn lực cả về tài chính và nhân lực để đầu tư. Nhưng nếu có một Platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng ngàn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh”.

Sau đó, Bộ trưởng thông tin rằng đã có một công ty CNTT đầu tư nền tảng này và sẽ ra mắt trong tháng 7 hoặc tháng 8.

Tương tự như vậy, nếu Misa, một công ty CNTT về phần mềm kế toán, đầu tư một nền tảng, cả về phần mềm và nhân lực kế toán, để cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc chuyển đổi số về kế toán cho các doanh nghiệp sẽ diễn ra rất nhanh.

Đồng thời, nó cũng kích thích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp vì không phải đi thuê kế toán viên, vốn là việc rất khó, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Vậy nên, các doanh nghiệp CNTT, mỗi người phải nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Các bạn đã được đất nước này nuôi dưỡng nhiều năm nay, đã học hỏi được nhiều tri thức trong chặng đường phát triển trước đây, bây giờ là lúc cần đến để làm những điều lớn lao cho đất nước”, ông Hùng kêu gọi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mạng Việt Nam hùng cường đặt lên vai các doanh nghiệp IT, DN phải làm sản phẩm Make In Vietnam, để phát triển Việt Nam và đi ra toàn cầu - Ảnh 3.

Chương trình gặp gỡ cộng đồng CNTT phía Nam tại QTSC của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Thế giới cần một cách tiếp cận mới về mạng xã hội

Ngoài câu chuyện doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Hùng khẳng định thêm, những người sử dụng mạng xã hội (MXH) phải được chia sẻ giá trị mà MXH đó tạo ra, họ phải được tham gia quyết định luật chơi trên đó, họ phải được bảo vệ trên đó.

MXH là một xã hội, vậy nên những giá trị đạo đức căn bản của con người phải được tôn trọng, phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, các startup Việt Nam có một cơ hội lớn để phát triển một hệ sinh thái với triết lý mới, với mô hình kinh doanh mới, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới.

Trở lại với TP. HCM, một nơi có tỉ trọng về công nghiệp ICT dẫn đầu cả nước, ông Hùng chỉ ra thực trạng là đóng góp của các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp sản xuất mới chỉ chiếm 30% về doanh thu và 50% về số lượng doanh nghiệp, đóng góp còn lại là từ khối buôn bán, phân phối.

Tuy nhiên, khối buôn bán, phân phối đã tương đối tiệm cận giới hạn bão hoà. Do đó, cộng đồng ICT TP. HCM cần tiếp tục phát triển hơn trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất, vì đây là thị trường có thể nói là không có giới hạn và đang thiếu rất nhiều sản phẩm.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực như IoT trong nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL, nhà máy thông minh cho các khu công nghiệp đang rất cần các sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp CNTT TP. HCM.

Nguồn: genk.vn

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

NẾU NỘI DUNG HỮU ÍCH HÃY XEM QUẢNG CÁO ĐỂ ỦNG HỘ

NẾU NỘI DUNG HỮU ÍCH HÃY XEM QUẢNG CÁO ĐỂ ỦNG HỘ

Bạn thấy bài viết này thế nào?
Thể hiện yêu thương tác giả ở đây nhé!

Thích bài viết

thích

Chia sẻ ngay!

Thêm bình luận

Bình luận bằng tài khoản Facebook

After viewing your support content - Please click advertisement for Support & Donate us team! Đóng