Dark mode là một cái gì đó rất quyết rũ, bạn có thể nhận thấy điều đó khi Android, macOS, iOS ra mắt chế độ giao diện tối. Hôm app Tinh tế ra mắt dark mode hồi tuần trước, traffic từ đó tới nay cũng tăng vọt so với trước. Dường như có một sự hấp dẫn kì bí nào đó với dark mode.
Trước tiên, cần phải nói rõ rằng dark mode chưa chắc đã giúp bạn dễ đọc hơn. Như anh này có chỉ ra, chữ đen trên nền trắng giúp mắt tập trung tốt hơn là chữ trắng trên nền đen, và bản thân mình khi sử dụng dark mode cũng nhận thấy điều đó.
Tuy nhiên, dark mode lại có nhiều tác dụng khác giúp nó trở nên được yêu thích:
1. Dark mode rất phù hợp để dùng vào lúc thiếu sáng, buổi tối
Khi làm ra dark mode, đa số các thành phần trên giao diện đều được chuyển thành màu đen hoặc xám hoặc xanh đen, vậy nên khi sử dụng app vào buổi tối hay sáng sớm thì mắt của bạn sẽ đỡ mỏi hơn và đỡ chói hơn. Điều này càng rõ ràng hơn với các ứng dụng di động, vốn được chúng ta sử dụng thường xuyên hơn là máy tính khi còn đang nằm trên giường lúc mới thức dậy. Khi bạn đọc nội dung có nhiều chữ trong điều kiện tối, dark mode cũng giúp bạn đỡ phải căng mắt ra hơn.
Trước khi dark mode trở thành phong trào rộng lớn, cách mà chúng ta thường dùng khi xài điện thoại buổi tối đó là giảm độ sáng màn hình lại. Việc đó cũng phần nào được thực hiện tự động từ hệ điều hành rồi, nhưng trong nhiều trường hợp thì mức mà iOS, Android tự chỉnh vẫn sáng quá, phải chỉnh lại chút mới ngon.
2. Dark mode làm giao diện trông ngầu hơn
Cái này liên quan tới thẩm mỹ nhiều hơn, và đó cũng là lý do vì sao chúng ta thích dark mode nhiều tới thế chỉ đơn giản là có một cái gì đó mới mẻ hơn, đẹp mắt hơn, hấp dẫn hơn, trông ngầu hơn. Hồi làm app Tinh tế, mình đã lên kế hoạch làm dark mode vì mình nghĩ rằng anh em thích công nghệ thì cũng sẽ thích giao diện kiểu cool ngầu, và mình đã đoán đúng hehe.
Ngoài ra, dark mode còn hỗ trợ một số người có vấn đề về thị giác tốt hơn, đó là lý do hệ điều hành nào cũng có chế độ đảo màu chữ và nền. Một số người mình biết cũng nói rằng họ cảm thấy đỡ gai người hơn khi nhìn vào giao diện đen thay vì trắng hay xám.
3. Tiết kiệm được một chút pin trên màn hình OLED
Với những khu vực hiển thị màu đen 100%, việc hiển thị trên màn hình OLED sẽ giúp đỡ hao pin hơn một chút xíu vì khi đó điểm ảnh đen không cần phải được kích hoạt (bản chất của màn hình OLED là từng điểm ảnh có thể tự phát sáng, trong khi LCD phải dùng đèn nền nên ngay cả với pixel đen thì vẫn phải có chút đèn chiếu vào).
Tuy nhiên, tác dụng này không lớn như bạn nghĩ vì đa số giao diện của app đều không làm đen hoàn toàn, có chăng chỉ là vài chỗ màu đen 100% mà thôi. Nếu thiết kế giao diện theo kiểu đen đậm thì nhìn sẽ rất nặng nề và u tối, giảm cảm giác thoải mái khi sử dụng, nên đa số app có dark mode đều dùng tông xanh đen hoặc xám đen chứ ít có app nào chơi đen hết. Ngoài ra các thành phần trên giao diện cũng phải có màu khác nhau để bạn dễ nhận biết nữa.
Có một trường hợp mà việc hiển thị giao diện đen sẽ giúp tiết kiệm pin nhiều, đó là chế độ Always On Display trên các máy Samsung, Nokia, Xiaomi… Lúc này màn hình chỉ hiển thị đồng hồ, icon thông báo và một vài điểm nhỏ khác với màu sắc mà thôi, phần còn lại thì để nguyên màu đen cho đỡ hao pin.
Nguồn: tinhte.vn