Sau 1 ngày hết giãn cách xã hội, đường phố lại đông như chưa từng có cuộc chia ly. Chiều hôm qua mình đi thấy các quán bia ngồi chật kín người, ngồi sát nhau và không hề thấy đeo khẩu trang để giữ khoảng cách 2m gì cả, rất đáng lo. Trên thế giới WHO vẫn đang bị chỉ trích và bị Mỹ dọa có thể không bao giờ tài trợ tổ chức này nữa.
Số người nhiễm virus corona trên thế giới đã vượt ngưỡng 2.7 triệu người, cao hơn hôm qua gần 68 nghìn ca. Trong đó đã có thêm gần 6,500 ca tử vong mới, đưa con số tử vong lên 190,490 ca. Số hồi phục tăng hơn 27,500 người, lên con số 744,961 người.
Số ca nhiễm/nguy kịch/hồi phục đến 24/04
Số ca tử vong do covid-19 đến 24/04
Các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch (trên 100 nghìn ca nhiễm)
Tỷ lệ các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch với phần còn lại của thế giới
Tình hình Việt Nam
– Ngày thứ 8 liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm virus corona mới, tổng số vẫn là 268 người, trong đó 224 người đã hồi phục, còn 44 người đang điều trị.
– Cho đến sáng nay tổng số ca nghi nhiễm tại Việt Nam là 416 người, gần 69 nghìn người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 352 người, tại cơ sở tập trung gần 18 nghìn người, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
– Tối qua Tp. HCM đã cho phép taxi truyền thống và công nghệ, xe khách liên tỉnh được hoạt động trở lại sau 22 ngày dừng chạy.
– Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc covid-19 trong trường học. Có 3 bước như sau: đeo khẩu trang khi đến trường, đo thân nhiệt thầy cô và học trò trước khi vào trường và bố trí giờ vào lớp và giờ tan học xen kẽ giữa các khối lớp, không tụ tập trong giờ ra chơi.
Tình hình thế giới
– Lần thử nghiệm lâm sàng toàn diện đầu tiên của 1 dạng thuốc đang được kì vọng có thể chữa được covid-19 đã thất bại. Thử nghiệm thuốc Remdesivir tại Trung Quốc trên 158 người tình nguyện đã cho kết quả thuốc này không có tác dụng rõ rệt gì, lượng virus trong những người tham gia thử nghiệm hầu như vẫn được giữ nguyên.
– Ngoại trưởng Mỹ phát biểu với người dân của mình rằng rất có thể Mỹ sẽ không bao giờ hỗ trợ tài chính cho WHO nữa.
– Đã có thêm gần 4.5 triệu người Mỹ nộp đơn trợ cấp thất nghiệp, đưa tổng con số cần hỗ trợ lên mức hơn 20 triệu người. Mỹ đến sáng nay có tổng số hơn 878,974 ca nhiễm, trong đó có 49,754 người tử vong và 85,624 người đã hồi phục.
– Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang tìm tiếng nói chung cho 1 gói viện trợ cho cả khu vực này do tác động của đại dịch. Trước đây Tây Ban Nha đề nghị gói 1.5 nghìn tỉ Euro, tuy nhiên theo tính toán gói này có thể lên đến 2 nghìn tỉ Euro mới đủ.
– WHO cho biết có đến 1 nửa số ca tử vong tại châu Âu là những người ở các trại dưỡng lão.
– Tại Tây Ban Nha các cầu thủ bóng đá được làm xét nghiệm hàng ngày để có thể trở lại sân tập sớm nhất có thể nhằm cứu vãn mùa bóng này. Theo liên đoàn bóng đá nước này thì các cổ động viên có thể được quay lại cổ vũ cho đội bóng của mình tại các sân vận động vào thời điểm Giáng sinh. Tây Ban Nha có tổng số 213,024 ca nhiễm, số người đã tử vong là 22,157, gần 90 nghìn người đã hồi phục.
– Số ca nhiễm mới tại Italy giờ đã giảm hơn nhiều so với những tuần trước đó, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên con số 189,327 người, đã có 25,549 người tử vong với gần 60 nghìn người đã hồi phục.
– Đức vẫn đang có số ca hồi phục cao nhất châu Âu với hơn 100 nghìn người đã hồi phục trong tổng số 153,129 ca nhiễm, số tử vong ở Đức là 5,575 người.
Một nhân viên y tế đang kiểm tra 1 nhà dưỡng lão tại Đức.
– Pháp cho biết sau khi các trường học mở cửa học sinh sinh viên không bắt buộc phải đến trường nếu gia đình cảm thấy chưa an toàn. Tổng thống Pháp nói với các thị trưởng rằng kế hoạch chấm dứt lệnh phong tỏa sẽ được chốt vào thứ 3 tuần sau trong bối cảnh nước này đang có 158,183 ca nhiễm, số tử vong là 21,856 người và 42,088 người đã hồi phục.
– Bộ trưởng y tế Anh cho biết nước này đã có khả năng làm được 50 nghìn xét nghiệm 1 ngày. Thủ tướng Anh dự định sẽ quay lại làm việc vào thứ 2 tuần sau. Đã có 138,078 ca nhiễm tại Anh, trong đó có 18,738 người đã tử vong.
– Lần đầu tiên sau hơn 1 tháng số ca phải chăm sóc đặc biệt tại Bỉ xuống dưới mức 1 nghìn người. Hiện Bỉ đang có 42,797 ca nhiễm, số tử vong là 230 người.
– Thụy Điển rút lại lời dự đoán dịch đã tới đỉnh tại đây sau khi báo cáo có 16,755 ca nhiễm, trong đó đã có hơn 2 nghìn người tử vong.
– Thổ Nhĩ Kì là quốc gia tiếp theo bước vào danh sách các nước có hơn 100 nghìn ca nhiễm, cho đến sáng nay số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kì là 101,790 người, trong đố tử vong 2,491 người
– Indonesia sẽ tiếp tục cấm các hoạt động đi lại bằng đường hàng không và đường thủy trong nước cho đến đầu tháng 6. Nước này có tổng cộng 7,775 ca nhiễm và 647 ca tử vong, con số người nhiễm có thể cao hơn rất nhiều do Indonesia hiện đang nằm trong những nước làm xét nghiệm thấp nhất thế giới.
– Ngày thứ 4 liên tiếp Singapore có hơn 1 nghìn ca nhiễm mới trong 1 ngày, hiện tổng số ca nhiễm tại đây đã là 11,178 người, số tử vong là 12 người.
Người phụ nữ Ai Cập đi mua đồ trước thời gian giới nghiêm
– Ai Cập rút bớt 1 tiếng trong tổng thời gian giới nghiêm để người dân có thời gian đi mua đồ thiết yếu thoải mái hơn 1 chút trong tháng Ramadan. Giờ đây người dân có thể đi về nhà lúc 9h tối thay vì 8h tối như trước đây. Những hàng quán bán đồ nhu yếu phẩm được phép đi giao đồ cho khách, miễn là phải đảm bảo vệ sinh khử trùng đúng cách.
– UAE cũng học theo Ai Cập và rút ngắn thời gian giới nghiêm xuống 2 giờ so với trước đây. Algeria cũng có động thái tương tự.
– Tổ chức Chữ Thập Đỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch tại dải Gaza, nơi mà đã bị hơn chục năm cấm vận và cấm cửa từ phía Isarel. Đã có 17 ca nhiễm tại dải đất nhỏ bé này và chính phủ Palestine vẫn đang cố gắng ngăn dịch lây lan.
– Canada cho biết sẽ cử quân đội đến giúp đỡ những người già tại các trại dưỡng lão trong bối cảnh có đến gần 1 nửa số ca tử vong ở quốc gia này là những người già ở các trại dưỡng lão.
– Một thành viên nội các của tổng thống Bolsonero của Brazil phàn nàn các tờ báo đang làm quá về đại dịch khi liên tục đưa các ảnh những quan tài được chôn ở các hố chôn tập thể. Đề nghị báo chí đưa các tin tươi vui hơn là suốt ngày đi đếm số người chết. Brazil hiện đã có gần sát mức 50 nghìn ca nhiễm và 3,313 ca tử vong.
https://twitter.com/portaldaband/status/1252659849164439558?s=20
Một trong những đoạn video đang được chính quyền Brazil kêu gỡ bỏ
– Peru chia sẻ số liệu mới nhất của mình và các con số không tốt chút nào, họ đã vượt 20 nghìn ca nhiễm và đã có 572 ca tử vong. Rất nhiều bệnh viện đang quá tải, xác chết phải xếp ngoài hành lang và khẩu trang y tế phải tái sử dụng, các y bác sỹ cũng đang biểu tình phản đối việc họ không có đủ đồ phòng hộ trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân.
– Ecuador tăng gần gấp đôi ca nhiễm, từ 11,183 vọt lên 22,160. Lý do của việc tăng khủng khiếp này là do các mẫu xét nghiệm bị dồn ứ lại đến giờ mới được thử tại phòng lab và cho ra kết quả. Số người tử vong ở quốc gia này là 560 người.
– Tổng thống Botswana và toàn bộ nội các của ông này đã hết thời hạn cách ly bắt buộc 14 ngày sau khi có tiếp xúc gần với 1 người dương tính với virus corona covid-19. Nước này mới có 22 ca nhiễm và 1 ca tử vong nhưng đã tiến hành phong tỏa đất nước rất ngặt nghèo trong vòng 28 ngày ngay từ 2/4.
– Cameroon thả 1,300 tù nhân để giảm tải cho nhà tù nhằm hạn chế lây lan trong khu vực nhạy cảm này. Nước này đang đứng thứ 2 về số ca nhiễm tại khu vực cận Sahara với 1,163 ca nhiễm và 42 ca tử vong.
– Châu Phi ngoài việc lo tìm cách phòng chống covid-19 hiệu quả còn phải lo giải quyết những căn bệnh thường gặp ở châu lục này. Một trong số những căn bệnh nguy hiểm thường gặp tại đây là sốt rét, căn bệnh có thể giết chết 700 nghìn người trong năm nay do đại dịch covid-19 có thể dẫn đến việc tiếp cận nguồn thuốc cũng như tiếp cận y tế khó khăn hơn rất nhiều.
– Nhiều tổ chức quốc tế lo ngại đại dịch covid-19 sẽ là án tử cho rất nhiều phạm nhân ở trong các nhà tù tại những quốc gia nghèo. Có thể ví dụ như tại Bangladesh có 10 bác sỹ quản lý tận 64 nhà tù, còn ở Giana con số này là 2 bác sỹ quản lý 46 nhà tù với lượng tù nhân khoảng 15 nghìn người.
– Giải vô địch điền kinh châu Âu dự kiến tổ chức vào tháng 8 năm nay tại Paris đã bị hủy bỏ.