Các công ty thường khởi nghiệp và tập trung phát triển một thương hiệu sản phẩm duy nhất. Tuy nhiên, do công nghệ phát triển và nhu cầu tăng lên, doanh nghiệp buộc phải hoặc đa dạng hóa sản phẩm hoặc là bị nhấn chìm.
Ngày nay, khi nhắc tới IBM, người ta không nhớ tới một chiếc máy tính cá nhân mà là dịch vụ về công nghệ và điện toán đám mây. Máy tính cá nhân của IBM giờ đã bị nhấn chìm bởi loạt thương hiệu nổi tiếng như MacBook, Asus hay Dell. Tương tự, J.M. Smucker ngày càng phổ biến với người dân thông qua thương hiệu thức ăn cho thú cưng Milk-Bone, bơ đậu phộng Jif hay cà phê Folgers hơn là mứt trái cây Smucker’s.
Dưới đây là 5 doanh nghiệp nổi tiếng với những sản phẩm đã trở thành tượng đài trong mắt người tiêu dùng, nhưng phần lớn doanh thu của họ từng hoặc đang đến từ mảng kinh doanh khác.
IBM
Năm 2018, dịch vụ công nghệ và nền tảng điện toán đám mây là mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho IBM với 34,46 tỷ USD, chiếm khoảng 43% tổng doanh thu. Ngay cả mảng lớn thứ 2 của công ty cũng không liên quan tới phần cứng máy tính, đó là dịch vụ cũng cấp giải pháp nhận diện nhờ đóng góp 23% vào tổng doanh thu.Những phát minh của IBM trong suốt thế kỷ 20 đã tạo ra một cuộc cách mạng trong đời sống của nhân loại. Trong đó phải kể đến IBM 5150, một trong những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới. IBM 5150 khi đó nhanh chóng trở thành chuẩn mực, mang lại cho IBM danh tiếng là một công ty sản xuất máy tính cá nhân. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên mới nhất nộp lên Ủy ban giao dịch Chứng khoán Mỹ, IBM rõ ràng không còn được gọi là công ty máy tính dù đó là suy nghĩ đầu tiên của nhiều nhà đầu tư khi họ tình cờ lướt qua mã cổ phiếu này.
General Electric
Công ty này đã tồn tại được hơn 100 năm, và vì nó gắn liền với tên tuổi của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison nên nhiều người đến nay vẫn nghĩ General Electric là một công ty điện. General Electric đã phát triển thành một “người khổng lồ” với đa dạng lĩnh vực, từ năng lượng, hàng không tới y tế và vận tải.
Tuy nhiên, có thời điểm công ty khiến giới đầu tư phải ngạc nhiên tập trung vào mảng tài chính hơn là điện. Theo báo cáo thường niên năm 2013, mảng kinh doanh lớn nhất của công ty là GE Capital, bộ phận chuyên cung cấp dịch vụ tài chính trên quy mô toàn cầu, khi chiếm 30% tổng doanh thu.
Xerox
Xerox được thành lập vào năm 1906 và bắt đầu nổi tiếng sau màn ra mắt Xerox 914, chiếc máy photocopy đầu tiên. Sự thành công nhanh chóng đã giúp công ty lấy lại được động lực phát triển sau nhiều năm chật vật trước đó vì quá trình nghiên cứu và phát triển chậm chạp và tốn kém.
Đến nay, không có gì là ngạc nhiên khi nhận ra Xerox không còn thực sự kiếm được tiền từ việc bán những chiếc máy photocopy nữa. Theo báo cáo thường niên năm 2018, nguồn thu nhập lớn nhất của công ty đến từ mảng dịch vụ dịch vụ sau bán hàng như dịch vụ quản lý máy in, bảo dưỡng thiết bị, cung cấp vật tư tiêu hao và cho thuê tài chính. Mức đóng góp vào tổng doanh thu của mảng này lên tới 78%.
J.M. Smucker
Đây là công ty đứng đằng sau sản phẩm mứt trái cây trứ danh của Mỹ. Được thành lập từ năm 1897, Smucker’s đến nay vẫn là một trong những thương hiệu phổ biến nhất. Trên thực tế, ngoài sản phẩm biểu tượng trên, công ty còn sản xuất nhiều thực phẩm khác.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, mảng lớn nhất của Smucker’s là kinh doanh thức ăn cho thú cưng, đóng góp gần 30% vào tổng doanh thu. Mảng chiếm hơn 28% tổng doanh thu là cà phê, trong đó thương hiệu Folgers của công ty là loại cà phê được bắt gặp nhiều nhất trong nhà bếp của người Mỹ.
Nguồn: cafebiz.vn